BẢN TIN COVID NỘI BỘ NGÀY 21/09/2021 – GGROUP

21-09-2021

Thân gửi ACE toàn Công ty,

P.HCQT cập nhật bảng tin Covid cuối ngày 21/09 của Công ty:

1. Tình hình khai báo y tế nội bộ Công ty trong ngày 21/09:

A. Tình hình khai báo y tế nội bộ

Theo thông tin khai báo y tế nội bộ Công ty ngày 21/09 P.HCQT tổng hợp gửi thông tin những ACE đang ở khu vực cách ly cũng như khu vực nghi dịch, trong vùng dịch để Chúng ta cùng nắm thông tin triển khai công việc cũng như động viên cổ vũ tinh thần ACE đang vừa thực hiện cách ly vừa hoàn thành công việc của Công ty.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp từng ngày, sức khỏe vẫn chính là điều quan trọng nhất để chúng ta cùng nhau vượt qua và hướng đến bình thường mới. Vì vậy, ACE chúng ta lưu ý giữ gìn sức khỏe thật tốt, luôn suy nghĩ tích cực, giữ tâm lý thật thoải mái, luôn thực hiện theo các chỉ thị của Nhà Nước, mọi chuyện rồi sẽ ổn định trở lại.

Tất cả thành viên trong Công ty cùng nhau làm việc, cùng chung tay phòng và tránh để đảm bảo an toàn chung cho bản thân, gia đình, Công ty và những người xung quanh ACE nhé. Chúng ta cùng cố gắng lên ACE nhé.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang còn diễn tiến phức tạp ở khắp nơi trên thế giới, một khái niệm mới đã được ra đời, đó là “bình thường mới”. “Bình thường mới” hiểu đơn giản là những điều khác với những cái cũ. Có thể là những điểm mà trước đây mọi người cho là bất bình thường thì nó sẽ trở nên bình thường. Hoặc cũng có thể là những điều mà trước đây, chúng ta đang phấn đấu để thực hiện thì nay, điều kiện mới bắt buộc chúng ta phải thực hiện nó nhanh hơn, vì nếu không thực hiện, sẽ không thể tồn tại trong thời đại mới. GGROUP cũng trong dòng chảy bình thường mới đó, Công ty chúng ta chuyển hẳn 100% sang hình thức làm việc từ xa tại nhà, dù vậy các hoạt động làm việc của các phòng ban trong Công ty vẫn diễn ra bình thường, các cuộc họp vẫn được tổ chức, trao đổi thảo luận giữa các đơn vị trong Công ty vẫn liên tục.

Bình thường mới đòi hỏi con người, xã hội và từng doanh nghiệp phải rất năng động, linh hoạt, khả năng chống chịu và thích ứng. Những yếu tố đó kết hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên cách thức tổ chức sản xuất thay đổi, cấu trúc sản xuất thay đổi, cách thức tiêu dùng, cách thức sống thay đổi, chuyển sang số hóa nhiều hơn, online nhiều hơn. ACE chúng ta hãy phát huy hết bản lĩnh của bản thân, chủ động, sáng tạo để nâng cao hiệu quả công việc, góp phần thúc đẩy phát triển GGROUP ngày càng phát triển hơn trong thời đại mới nhé.

Ban lãnh đạo Công ty mong rằng tất cả ACE CBNV sát cánh cùng Công ty chúng ta sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này, an toàn về sức khỏe mới có thể an tâm làm việc được. Kính Chúc ACE CBNV chúng ta và gia đình bình an, khỏe mạnh, tinh thần lạc quan để nổ lực cùng Công ty ngày càng phát triển.

B. Tình hình tiêm chủng CBNV Công ty

Theo thông tin khai báo y tế nội bộ Công ty, P.HCQT tổng hợp thông tin Anh Chị Em CBNV đã tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19 tính đến ngày 21/09/2021 như sau:

– Theo như cập nhật thì tình hình CBNV chưa tiêm chủ yếu là đang ở quê và chưa được tiêm vaccine. Hy vọng trong thời gian tới tất cả CBNV đều được tiêm an toàn mũi 1 vaccine. Chúng ta sẽ cùng chuẩn bị tinh thần để hoàn thành mũi 2 vaccine tăng cường sức đề kháng và vượt qua dịch bệnh.

Danh sách CBNV đã thực hiện tiêm chủng COVID-19, ACE vui lòng xem tại đây

2. Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM:

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Hồ Chí Minh (HCDC)

Hiện nay Thành phố đã bao phủ vắc xin mũi 1 cho hơn 90% người trên 18 tuổi và hơn 20% mũi 2. Ngành y tế TP sẽ tập trung quản lý và điều trị các ca F0 phát hiện tại cộng đồng và tăng cường hệ thống điều trị tại bệnh viện, đảm bảo việc điều trị tại các tầng 2,3 để hạn chế các ca tử vong. Triển khai xét nghiệm, phát hiện kịp thời và điều trị các ca mắc mới có nguy cơ cao.

Tình hình dịch bệnh COVID-19:

Tính đến 06 giờ ngày 19/9/2021, có 342.237 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, trong đó 341.758 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 479 trường hợp nhập cảnh.

Tình hình thu dung điều trị COVID-19:

Tính đến ngày 19/9, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 41.826 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 22.736 người. Số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 41.404 người. Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 7.577 người, chiếm tỉ lệ 18.3% so với tổng ca đang nằm viện, chiếm tỉ lệ 7,2% so với tổng số F0. Số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 3.544 người. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 349 người.

Số trường hợp xuất viện trong ngày là 2.725 người, tổng số ca xuất viện cộng dồn là 171.926 người.  Số ca tử vong trong ngày là 182 người.

Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19:

Các quận huyện vẫn tiếp tục nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian. Ngày 20/9, Thành phố tiêm thêm được 102.593 người. Tính đến ngày 20/9, Thành phố đã tiêm được tổng cộng 8.876.463 mũi, trong đó có 6.775.637 mũi 1 và 2.100.826 mũi 2.

 Xét nghiệm COVID-19:

Thành phố có 2.311.566 hộ dân, trong đó 401.234 hộ dân thuộc vùng đỏ, 181.213 hộ dân thuộc vùng cam. Tiến độ xét nghiệm test nhanh vòng 5 của vùng đỏ và vùng cam là 65% (trong đó, vùng đỏ là 76%, vùng cam là 54%). Tỉ lệ kết quả xét nghiệm dương tính là 1,1%.

Tình hình cách ly kiểm dịch y tế: Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 1.666 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 19.913 người.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Hồ Chí Minh (HCDC) khuyến cáo:

  • Dù đã được chích vắc xin những vẫn cần tuân thủ phòng bệnh theo nguyên tắc 5K.
  • Tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.
  • Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ nhiễm bệnh.

3. Thông tin chăm sóc sức khỏe cần biết trong mùa dịch

TP. HCM: Thay đổi cách thức lấy mẫu nghiệm, sẽ thực hiện test nhanh kháng nguyên cho các vùng nguy cơ

Ngày 20/9/2021, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ chí Minh Ngô Minh Châu đã ký công văn khẩn số 3113/BCĐ-VX về việc tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm tại địa bàn dân cư từ nay đến ngày 30/9/2021. Trong công văn này có sự thay đổi về cách thức lấy mẫu giám sát xét nghiệm cho các vùng nguy cơ đến ngày 30/9. Theo đó, Thành phố sẽ triển khai thần tốc lấy mẫu xét nghiệm chỉ bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên để bóc tách ngay nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời thay vì có thêm phương pháp xét nghiệm RT-PCR như ở công văn 3074/BCĐ-VX ký ngày 15/9/2021.
Tại các vùng đỏ, vùng cam, Thành phố sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân trên địa bàn, trừ các trường hợp F0 đã được xác định trong vòng 14 ngày gần đây và các trường hợp F0 đã xuất viện hoặc khỏi bệnh. Lặp lại sau mỗi 02 ngày, làm liên tục 03 lần trong 07 ngày.
Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh, Thành phố thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho mẫu đại diện hộ gia đình. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vắc xin, người tiếp xúc với nhiều người khác, không chọn người đại diện đã từng là F0. Lặp lại sau 04 ngày, làm liên tục 02 lần.
Các hộ gia đình đã có ca xác định dương tính lần trước sẽ không thực hiện xét nghiệm ở những lần giám sát xét nghiệm tiếp theo. Toàn bộ hộ gia đình của trường hợp có ca dương tính được quản lý, theo dõi theo quy định tại địa phương. Nếu phát sinh trường hợp dương tính mới trong hộ gia đình thì tiếp tục cập nhật vào hệ thống giám sát, chăm sóc, theo dõi và điều trị.
Các hộ gia đình có ca dương tính phải được căng dây phong tỏa và dán biển đỏ cảnh báo trước cửa theo quy định.
Thành phố sẽ đảm bảo các quy định và nguồn lực tham gia lấy mẫu. Tiếp tục chia nhỏ địa bàn và tổ chức nhiều đội lấy mẫu phù hợp, chủ động huy động, tăng cường nguồn nhân lực tại địa phương tham gia công tác lấy mẫu. Tăng cường sự tham gia của ban điều hành khu phố, ấp, tổ dân phố/tố nhân dân, … trong quá trình tố chức lấy mẫu tại địa phương.
Người dân sẽ được hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm, cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên phát test nhanh tới từng hộ gia đình, thực hiện giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả, thống kê và báo cáo. Khay test nhanh được để trong túi ZIP, đính kèm hướng dẫn và dùng túi ZIP đó để đựng lại khay kết quả. Cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên chỉ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm khi người dân không thể tự lấy mẫu.

8 loại vắc-xin phòng COVID-19 đã được cấp phép tại Việt Nam

Đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam đã có 8 loại vắc-xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Các loại vắc-xin được phê duyệt sử dung hiện nay gồm: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V), Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Vắc xin Spikevax (Tên khác là Moderna), vắc-xin Janssen, vắc-xin Hayat-Vax và vắc-xin Abdala.

TP. Hồ Chí Minh: Những dịch vụ được mở lại từ ngày 16/9

Hướng dẫn tra cứu thông tin tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19

Sau khi tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, thông tin của người dân sẽ được cập nhật lên hệ thống tiêm chủng quốc gia và người dân có thể tra cứu chứng nhận tiêm chủng tại Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Đây là Cổng thông tin do Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp thực hiện, cho phép người dân, tổ chức đăng ký tiêm, tra cứu chứng nhận tiêm; đăng ký cơ sở tiêm chủng; và công khai thông tin về số lượng vắc-xin, phân bổ vắc-xin, số lượng đối tượng đăng ký, đã tiêm, kết quả tiêm chủng.

Để tra cứu thông tin tiêm chủng COVID-19, cần thực hiện các bước sau:

– Bước 1: Truy cập vào đường dẫn https://tiemchungcovid19.gov.vn, tại mục “Tra cứu” chọn “Tra cứu chứng nhận tiêm” hoặc truy cập vào đường dẫn https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/search.

– Bước 2: Nhập đầy đủ và chính xác thông tin cá nhân của người cần tra cứu, sau đó bấm chọn “Tra cứu”. Lưu ý: các nội dung có dấu sao (*) màu đỏ bắt buộc phải nhập.

– Bước 3: Nhập mã OTP nhận được từ số điện thoại cung cấp tại bước 2 vào phần xác thực OTP và bấm xác nhận để kết thúc thao tác.

Sau khi tra cứu, trường hợp có thông tin tiêm chủng, người dân thực hiện cài đặt ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử để thuận tiện hơn trong việc quản lý thông tin tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19.

Trường hợp không có thông tin, người dân chọn mục “Phản ánh thông tin” (màu cam, phía bên phải giao diện màn hình) để gửi yêu cầu phản ánh cập nhật thông tin tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19.

Nguyên tắc ăn uống giảm biến chứng nặng cho F0 điều trị tại nhà

Trong tài liệu Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho người mắc Covid-19 tại nhà, Bộ Y tế cho biết trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Khi bị mắc Covid-19, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống, do vậy, cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng.

Nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đúng cách, người bệnh sẽ suy dinh dưỡng nặng. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian thở máy và tăng chi phí điều trị.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho F0 điều trị tại nhà:

– Dinh dưỡng đầy đủ và cân đối: Bữa ăn cần đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng. Đa dạng loại thực phẩm (nếu được) để duy trì thể trạng, thể chất bình thường. Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.

Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <10% tổng năng lượng ăn vào).

– Bổ sung thêm bữa phụ: Cần bổ sung thêm 1-2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa. Đặc biệt nên bổ sung khi người bệnh ăn kém do sốt, ho, mệt mỏi…

– Nhóm thực phẩm cần tăng cường: Người bệnh nên ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc, đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng. Bổ sung thêm trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại. Sử dụng gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng.

Những điều người bệnh cần lưu ý:

– Không bỏ bữa, cần ăn đủ 3 bữa chính và tăng cường thêm các bữa phụ. Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.

– Không kiêng khem thực phẩm nếu không có dị ứng thực phẩm hoặc theo lời khuyên riêng của bác sĩ. Người có thể trạng gầy, trẻ em cần bổ sung thêm các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và sản phẩm từ sữa.

– Thực phẩm phải bảo đảm an toàn, vệ sinh. Không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng. Bảo đảm vệ sinh, luôn rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm. Nếu sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, cần theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

– Tránh đồ ăn, uống có nhiều đường, nhiều muối, rượu, bia. Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <10% tổng năng lượng ăn vào).

Sổ sức khỏe điện tử – ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe

Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử là ứng dụng trên nền tảng thiết bị điện tử của Bộ Y tế giúp người dân Việt Nam biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của bản thân từ đó chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân. Sổ sức khỏe điện tử cũng là ứng dụng có tiện ích chứng nhận tiêm chủng COVID-19

Với ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử mỗi người dân sẽ có 1 quyển sổ y bạ sức khỏe cả đời được kết nối trực tiếp với Hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế, tạo thuận lợi cho cán bộ y tế chẩn đoán và điều trị người bệnh giúp họ được chăm sóc sức khỏe toàn diện và liên tục, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân

Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử giúp cho nhân viên y tế thu thập thông tin, giảm ùn tắc ở các điểm tiêm vắc-xin, hạn chế khả năng lây nhiễm cho người dân khi đi tiêm vắc-xin COVID-19, hỗ trợ kịp thời các vấn đề sức khỏe cho người dân

Với ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử mỗi người dân Việt Nam đã tiêm chủng vắc-xin COVID-19 sẽ có 1 “chứng nhận tiêm chủng” điện tử bằng mã QR, kèm theo giấy chứng nhận tiêm chủng vắc-xin COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Sổ sức khỏe điện tử có các tiện ích chính:

– Tiện ích đăng ký tiêm chủng: Đăng ký tiêm vắc-xin COVID-1

– Tiện ích xác nhận tiêm chủng: Cung cấp thông tin có đồng ý tiêm vắc-xin COVID-19 hay không

– Tiện ích phản ứng sau tiêm: cung cấp các thông tin y tế về tình trạng sức khỏe, các triệu chứng xảy ra nếu có sau khi được tiêm phòng vắc-xin COVID-19

– Tiện ích Chứng nhận tiêm chủng: Chứng nhận đã tiêm vắc-xin COVID-19

– Tiện ích đặt khám chữa bệnh: Đặt lịch khám tại Cơ sở y tế.

– Tiện ích Hồ sơ sức khỏe: Thông tin về Hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Nếu gặp khó khăn trong quá trình cài đặt hay sử dụng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, vui lòng liên hệ tổng đài 19009095 để được hỗ trợ giúp.

Hướng dẫn cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử:

TP.HCM cho phép mở lại dịch vụ ăn uống, chỉ bán mang đi

Từ ngày 9-9, UBND TP.HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hằng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.

Từ nay đến 15-9 ai được tiêm vắc xin mũi 2 ở TP.HCM?

TP HCM thực hiện khai báo ‘di chuyển nội địa’ trở lại

Từ ngày 29/8, Công an TP HCM thực hiện trở lại việc khai khai báo “di chuyển nội địa” tại các chốt kiểm soát trong Thành phố.

Theo đó, Công an TPHCM sẽ triển khai thực hiện việc khai báo “di chuyển nội địa” tại các chốt kiểm soát nội thành trên phần mềm quản lý công dân vùng dịch của Bộ Công an trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Theo Công an TP HCM, việc khai báo nhằm phục vụ việc kiểm tra, giám sát di biến động dân cư và quản lý chặt chẽ các giấy đi đường trong thời gian TP HCM siết chặt giãn cách xã hội. Theo đó, mã QR sau khi người dân khai báo có thời hạn 3 ngày.

Công an TP HCM cũng thông tin rộng rãi, yêu cầu người dân thực hiện khai báo “di chuyển nội địa” tại nhà để lưu thông nhanh chóng qua các chốt kiểm soát, tránh xảy ra tình trạng ùn ứ.

Quy trình khai báo “di chuyển nội địa”

Bước 1: Người dân truy cập vào hệ thống quản lý tờ khai y tế theo địa chỉ http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc quét mã QR bằng ứng dụng Zalo hoặc ứng dụng quét mã QR Code để vào biểu mẫu khai báo y tế. Lưu ý: Không dùng ứng dụng Bluezone để quét mã QR này.

Bước 2: Đọc kỹ và điền chính xác các thông tin vào các ô trong biểu mẫu khai báo (ô có dấu “*” biểu thị việc bắt buộc phải nhập).

Bước 3: Nhập mã xác thực vào ô cuối cùng của biểu mẫu khai báo.

Bước 4: Nhấn nút “Gửi đi” và chờ cho đến khi màn hình xuất hiện thông báo mã QR code, người dân chụp lại màn hình hoặc chọn để lưu mã.

Bước 5: Xuất trình mã QR code cho cán bộ tại chốt kiểm dịch kiểm tra thông tin kèm theo CMND hoặc căn cước công dân.

Đối với người dân không có điện thoại thông minh để khai báo, cán bộ tại chốt sẽ phát phiếu khai báo y tế cho người dân để khai. Sau khi kê khai, cán bộ kiểm tra, đối chiếu thông tin CMND hoặc căn cước công dân của người dân.

Với các tờ phiếu khai báo y tế được người dân kê khai, cán bộ tại chốt kiểm soát dịch tiến hành lưu thông tin khai báo y tế cho người dân tại địa chỉ: http://kiemdich.dancuquocgia.gov.vn. Sau khi cán bộ tại chốt kiểm dịch xác nhận thông tin công dân, hệ thống sẽ lưu lại và tiến hành xác thực thông tin công dân qua kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hotline tổ phản ứng nhanh Quận/Huyện tại đây

 UBND TPHCM đã có văn bản giao các quận, huyện, thành phố Thủ Đức ban hành quyết định thành lập tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn. Thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm: bác sĩ, điều dưỡng của Trạm Y tế của phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, Công an, Đoàn thanh niên, …

 Việc thành lập các tổ phản ứng nhanh ở phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng.

 Khi F0 có triệu chứng chuyển bệnh sẽ gọi cấp cứu 115 và tổ phản ứng nhanh tại địa phương.

Hotline Trạm Y tế lưu động tại TP. HCM tại đây

 Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, TP.HCM đã triển khai thành lập Trạm Y tế xã, phường, thị trấn lưu động tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

 Các Trạm Y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.

Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 (phiên bản 1.5)

Ngày 27/8/2021, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành công văn số 6065/SYT-NVY để tiếp tục cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” (phiên bản 1.5). Trong văn bản đã bổ sung thêm loại hình “Tổ COVID dựa vào cộng đồng” và điều chỉnh danh mục thuốc chống đông dạng uống từ 03 loại xuống còn 02 loại. Tại đây

Quy trình tự lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-COV-2

Hiểu nhanh và đúng về tự test nhanh COVID-19 tại nhà

Túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà: Sử dụng sao cho đúng

 Chiều 30/8/2021, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện nay Thành phố đã triển khai phát các túi thuốc cho bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà và có những lưu ý cho người bệnh khi sử dụng túi thuốc này.

 Các lưu ý khi dùng các gói thuốc A, B, C

 Túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà sẽ bao gồm 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Thuốc hạ sốt sẽ được dùng khi người bệnh sốt trên 38,5C, có thể lặp lại mỗi 4 -6 giờ nếu vẫn còn sốt. Các loại vitamin uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên. Gói thuốc này dùng trong 7 ngày.

 Gói thuốc B bao gồm các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Đối với thuốc ở gói B, người bệnh cần lưu ý chỉ sử dụng trong một số tình huống đặc biệt, có triệu chứng sớm của suy hô hấp như cảm thấy khó thở, thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần mỗi phút hoặc đo SpO2 dưới 95%. Nếu chưa liên hệ được bác sĩ, người bệnh có thể tự uống thuốc kháng viêm và thuốc chống đông nhưng không quá 3 ngày. Trong thời gian này người bệnh cần tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ.

 Cuối cùng là gói thuốc C có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus đang ở trong giai đoạn thử nghiệm trong chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế. Thuốc hiện chưa được Cục quản lý Dược của Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện Thống Nhất và đã cho những kết quả khả quan.

 Trong chương trình cấp thuốc cho F0 điều trị tại nhà, gói thuốc C được sự chỉ đạo của Bộ Y tế thêm vào túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà và phải có những điều kiện khi sử dụng thuốc. Người bệnh cần phải ký “Phiếu chấp thuận tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 nhẹ” trước khi được cấp phát và sử dụng.

 Gói thuốc C chỉ dành cho F0 đã có kết quả dương tính với SARS-COV-2 dương tính sau khi xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR, có triệu chứng nhẹ, thể hiện qua nhịp thở dưới 20 lần/ phút, nồng độ SpO2 cao hơn hoặc bằng 96%. Gói thuốc C có lượng thuốc đủ dùng trong 5 ngày. Mỗi ngày uống 4 viên, chia làm 2 lần, mỗi lần 2 viên. Tổng liều là 1.600mg cho 1 ngày. Theo các nghiên cứu, bệnh nhân sẽ có sự cải thiện rõ rệt, giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nhẹ sau 5 ngày điều trị, nhờ đó giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong.

 Thành phố hiện đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc trong đó có chứa gói thuốc A, B và đã cấp phát 74.000 túi thuốc này về cho các Trung tâm y tế Quận huyện, Thành phố Thủ Đức để chuyển đến cho các F0 đang điều trị tại nhà. Số lượng túi thuốc còn lại sẽ chuyển cho các bệnh nhân trong những ngày tới. Tính tới ngày 23/8/2021, Thành phố có gần 22.000 F0 đang điều trị tại nhà, do đó, với số thuốc đã phát cho các quận huyện đủ hoặc thậm chí có dư để cung ứng cho các bệnh nhân.

 Riêng với gói thuốc C, tính đến thời điểm này Bộ Y tế mới cấp cho Thành phố 16.000 túi nên sẽ có tình trạng thiếu thuốc Molnupiravir. Dự kiến vài ngày tới sẽ bổ sung thêm 34.000 liều thuốc này.

 Thuốc Molnupiravir là sản phẩm được nghiên cứu, phát triển bởi hãng dược phẩm Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức. Tại TP. Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp đã có được  nhượng quyền khai thác, sản xuất tại Việt Nam, nhà máy đạt chuẩn GMP và đang làm hồ sơ trình Bộ Y tế, bà Phong Lan thông tin thêm. Sắp tới, doanh nghiệp này cam kết tài trợ 2,3 triệu viên thuốc Molnupiravir, tương ứng với 116.000 liều để điều trị cho F0.

Biện pháp tăng đề kháng thời dịch – vitamin C thôi chưa đủ

 Vitamin C có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, nhưng chưa đủ trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp. Người dân cần bổ sung vitamin và hoạt chất khác tốt cho miễn dịch.

 Trước tình dịch lan rộng, người dân được khuyến cáo bổ sung chất tăng sức đề kháng, kết hợp tập luyện và giữ tinh thần lạc quan.

 Dưỡng chất giúp tăng đề kháng

Vitamin C đóng vai tròthiết yếu với sức khỏe, hỗ trợ sản xuất protein quan trọng của hệ miễn dịch để chống lại tác nhân gây bệnh. Chất này chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào miễn dịch trước gốc tự do, tăng khả năng miễn dịch.

 Cung cấp đủ vitamin C được xem là chìa khóa tăng sức đề kháng, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 lan rộng hiện nay. Tuy nhiên, cơ thể không thể tự sản xuất ra vitamin C, cần được sung từ nguồn thực phẩm bên ngoài như trái cây họ cam quýt, cà chua, ớt… Khi chế độ ăn uống không cung cấp đủ, bạn cần thêm từ thực phẩm chức năng hoặc thuốc uống theo chỉ định của chuyên gia, bác sĩ.

 Bên cạnh vitamin C, nhiều dưỡng chất khác có chức năng cải thiện sức đề kháng như vitamin A, D, E và nhóm B tan trong nước. Các khoáng chất tăng khả năng miễn dịch có sắt, kẽm, selen. Đặc biệt, beta glucan được biết đến như hoạt chất vàng trong việc thực hiện chức năng này.

 Beta glucan là polysccharide (hợp chất đường gồm một chuỗi phân tử glucose) tạo nên từ các đơn phân tử D-glucose gắn kết qua liên kết Beta-glycoside. Hoạt chất có trong yến mạch, lúa mạch, nấm, nấm men, thành tế bào của vi khuẩn, nấm, tảo, địa y… Từ hơn 170.000 công trình công bố trên PubMed và 200 nghiên cứu đang tiến hành trên ClinicalTrials, beta glucan được khẳng định tăng cường miễn dịch, đề kháng hiệu quả.

Hướng dẫn công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 từ ngày 15/8 đến 15/9 tại TP. HCM

Nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh, mở rộng vùng xanh, tiến tới kiểm soát dịch, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 từ ngày 15/8-15/9 cho các nhóm đối tượng cụ thể gồm: Bệnh nhân tại bệnh viện điều trị COVID-19; F0 tại các khu cách ly tậo trung quận, huyện, thành phố Thủ Đức; F0 đang được cách ly, chăm sóc, theo dõi, điều trị tại nhà; F1 tại các khu cách ly tập trung của Thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức hoặc cách ly tại nhà; Xét nghiệm cộng đồng để giải phóng vùng sạch; đánh giá vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao; duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.

Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm phải có sự tham gia của Tổ trưởng hoặc Tổ phó Tổ dân phố, Tổ nhân dân, Ban điều hành khu phố, ấp, … Địa điểm lấy mẫu xét nghiệm có thể thực hiện tại hộ gia đình hoặc tại một vị trí thuận lợi, tiến hành mời lần lượt từng hộ gia đình ra lấy mẫu. Thực hiện đúng quy tắc 5K của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu.

Người lấy mẫu thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo công tác vệ sinh khử khuẩn, đặc biệt lưu ý quy trình thay đồ bảo hộ, thay găng tay hoặc sát khuẩn găng tay khi lấy mẫu. Nếu người dân có thể tự lấy mẫu thì nhân viên y tế hoặc đội lấy mẫu sẽ cung cấp dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm cho hộ dân và thu thập ngay kết quả.

Các kênh tư vấn, hỗ trợ người dân trong mùa dịch COVID-19 tại đây

 Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Thành phố và các đơn vị, tổ chức đã phối hợp triển khai các kênh tư vấn, hỗ trợ người dân các vấn đề liên quan COVID-19, an sinh xã hội, sức khỏe, tâm lý, …

 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố thực hiện tổng hợp để người dân dễ nắm bắt thông tin và liên hệ khi cần thiết.

Thông điệp 5T chống dịch giai đoạn mới của Bộ Y tế

TỔNG HỢP THÔNG TIN COVID -19 (NỘI BỘ CÔNG TY)

PHÒNG HÀNH CHÍNH QUẢN TRỊ

Nguồn:

  • Khai báo y tế nội bộ GGROUP;
  • Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Hồ Chí Minh (HCDC);
  • Báo thanh niên;
  • Khác.